top of page
Ảnh của tác giảKat

TỔNG QUAN VỀ STD - BỆNH TÌNH DỤC NGUY HIỂM ĐẾN MỨC NÀO?

Đã cập nhật: 17 thg 7, 2024

Xã hội ngày nay đã dần có cái nhìn cởi mở và tích cực hơn về tình dục. Các khía cạnh của vấn đề vốn được coi là nhạy cảm này được phổ biến rộng rãi hơn. Tuy nhiên, một khía cạnh ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mỗi chúng ta – bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STD) lại chưa nhận được nhiều sự quan tâm xứng đáng. Vậy #STD là những bệnh gì? Có phải tất cả các STD đều vô phương cứu chữa? Nếu những câu hỏi trên làm bạn bối rối, hãy cùng #KatAdultToys tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!



1. Những điều cần biết về bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục là gì ?

Bệnh lây truyền qua đường tình dục (Sexually Transmitted Diseases, viết tắt STD), hoặc nhiễm trùng qua đường tình dục (Sexually Transmitted Infections – STIs) hay còn gọi là bệnh hoa liễu (Venereal Disease – VD) gây ra bởi vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng lây nhiễm từ người sang người, chủ yếu thông qua quan hệ tình dục hay tiếp xúc bộ phận tình dục không an toàn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây truyền qua việc dùng chung bơm kim tiêm hoặc từ mẹ sang con trong giai đoạn cho con bú.



  • Nguyên nhân

Sau đây là một số nguyên nhân chính gây ra bệnh lây truyền qua đường tình dục:

- Do vi khuẩn hay nhiễm trùng do vi khuẩn bao gồm: bệnh chlamydia, lậu, giang mai, viêm âm đạo do vi khuẩn, bệnh u hạt lympho sinh dục (hay còn gọi là bệnh hột xoài LGV);

- Vi rút hay nhiễm trùng do vi rút bao gồm: mụn rộp sinh dục Herpes, viêm gan B, siêu vi Papilloma gây u nhú ở người (HPV) và vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV/AIDS);

- Bệnh nhiễm ký sinh trùng: bệnh trichomonas, chấy và rận vùng mu sinh dục.


Bệnh xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Một số bệnh như loét hạ cam, u hạt lympho sinh dục và u lympho bướu cổ thường có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn ở những nước kém phát triển.


  • Những bệnh lây qua đường tình dục phổ biến

Dưới đây là 8 loại bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất. Trong đó, 4 vị trí cuối không thể chữa khỏi hoàn toàn:

- Bệnh giang mai

- Bệnh lậu

- Nhiễm trùng roi Trichomonas

- Bệnh chlamydia

- Viêm gan B

- HIV/AIDS

- Mụn rộp sinh dục Herpes

- Siêu vi papilloma ở người – HPV

Ngoài ra, các bệnh sau đây cũng lây truyền qua đường tình dục:

- Hạ cam

- U hạt bẹn

- Nhiễm trùng nấm Candida

- Rận mu

- Ghẻ

- U mềm lây


 

2. Những bệnh lây qua đường tình dục có thể chữa trị hoàn toàn


  • Bệnh lây qua đường tình dục gây ra bởi vi rút STD

Hầu hết các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục gây ra bởi vi rút không thể chữa trị hoàn toàn; tuy nhiên, một số ít bệnh lại có thể tự khỏi phụ thuộc vào cơ địa của mỗi bệnh nhân.

Phương pháp điều trị phổ biến nhất hiện nay là làm giảm các triệu chứng của bệnh cũng như làm giảm nguy cơ lây nhiễm.


  • Bệnh lây qua đường tình dục gây ra bởi vi khuẩn

Thông thường, những bệnh lây qua đường tình dục gây ra bởi vi khuẩn (Bacterial STD) có thể chữa trị với phác đồ kháng sinh 1 liều hiệu quả và sẵn có trên thị trường, bao gồm:

- Bệnh Chlamydia;

- Giang mai;

- Bệnh lậu;

- Bệnh nhiễm trùng roi Trichomonas.

Ngoài ra, có một số STD có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng thuốc uống hoặc thuốc bôi:

- Rận mu;

- Bệnh nhiễm trùng roi Trichomonas;

- Ghẻ.


  • Kiểm soát STD

Dù y học hiện đại đã có những phát triển vượt bậc, chúng ta vẫn chưa tìm ra cách chữa trị hoàn toàn những bệnh STD dưới đây:

- HPV;

- HIV;

- Mụn rộp sinh dục Herpes;

- Viêm gan B.

Tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn, chúng ta có thể phòng ngừa chúng bằng cách tiêm vắc xin đầy đủ. Ngoài ra, với những bệnh như mụn rộp sinh dục Herpes và HIV, các bác sĩ có thể sử dụng thuốc chống vi rút để đảm bảo tình hình bệnh không chuyển biến xấu đi. Thậm chí, thuốc ARV (antiretroviral drugs) còn có thể giúp bệnh nhân HIV làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Đối với bệnh viêm gan B, thuốc kháng vi rút không chỉ giúp cơ thể chống lại vi rút, mà còn có thể làm chậm các tổn thương lên gan.


  • STD do quan hệ tình dục bằng miệng

Nhiễm trùng qua đường tình dục không chỉ lây qua quan hệ tình dục qua đường âm đạo hay hậu môn, mà là dưới bất kỳ hình thức nào miễn là có tiếp xúc da kề da với bộ phận sinh dục.

Điều này có nghĩa là quan hệ bằng miệng, sử dụng môi và lưỡi cũng sẽ có nguy cơ lây nhiễm tương tự như những hoạt động tình dục khác. STD do quan hệ tình dục bằng miệng có thể gây ra 6 loại bệnh tình dục phổ biến, bao gồm:

- Bệnh Chlamydia;

- Bệnh Lậu;

- Giang mai;

- Mụn rộp sinh dục Herpes;

- HPV;

- HIV.

 

3. Triệu chứng, biểu hiện thường thấy


Trong nhiều trường hợp, một người có thể mắc STD kể cả khi cơ thể họ không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào, khiến họ có thể vô tình lây truyền bệnh sang người khác.

Tuy nhiên, một số STD gây ra một hoặc nhiều triệu chứng rõ ràng, bao gồm:

- Chảy máu sau khi quan hệ tình dục hoặc chảy máu bất thường giữa các kỳ kinh nguyệt;

- Đau hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục hoặc đi tiểu;

- Âm đạo tiết dịch bất thường hoặc chảy máu;

- Lở loét, mụn, phát ban trên hoặc xung quanh âm đạo, hậu môn, mông, đùi hoặc miệng;

- Ngứa ngáy bên trong hoặc xung quanh âm đạo;

- Tinh hoàn đau hoặc sưng;

- Sưng hạch bạch huyết ở bẹn;

- Sốt cao đột ngột hoặc xuất hiện các triệu chứng giống cảm cúm.


Các triệu chứng của STD lây qua đường miệng có thể xuất hiện các triệu chứng như:

- Đau họng;

- Lở loét xung quanh miệng hay cổ họng.


Bên cạnh đó, phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng, các triệu chứng có thể xuất hiện trong:

- Vài ngày hoặc vài tuần (đối với bệnh chlamydia, bệnh lậu, mụn rộp sinh dục Herpes);

- Vài tuần hoặc vài tháng sau khi tiếp xúc với vi sinh vật gây bệnh (đối với bệnh Viêm gan B, HIV, giang mai).


Mặt khác, mong bạn lưu ý rằng: các triệu chứng đột ngột biến mất hoặc hết hẳn không có nghĩa bạn đã khỏi bệnh – bạn vẫn có khả năng tái nhiễm hay xuất hiện các triệu chứng khác.



 

4. Chẩn đoán bệnh


Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ không thể chẩn đoán STD chỉ dựa trên các triệu chứng. Nếu bạn có khả năng nhiễm STD, bác sĩ sẽ để bạn xét nghiệm để kiểm tra kỹ hơn.

Hầu hết các bệnh lây truyền qua đường tình dục được chẩn đoán qua các loại xét nghiệm:

- Nước tiểu: bệnh chlamydia, bệnh lậu, bệnh nhiễm trùng roi Trichomonas;

- Máu: bệnh Viêm gan B, HIV, giang mai, mụn rộp sinh dục;

- Chất dịch tại bộ phận sinh dục hoặc các vết loét/tổn thương: bệnh chlamydia, bệnh lậu, ghẻ;

- Chất lỏng, dịch tiết hoặc chất thải: bệnh lậu, Herpes, HPV, giang mai, bệnh nhiễm trùng roi Trichomonas;

- Nước bọt: HIV.


Lưu ý: Xét nghiệm Pap (Phết tế bào cổ tử cung) không phải là xét nghiệm bệnh chlamydia. Xét nghiệm này kiểm tra sự hiện diện của các tế bào tiền ung thư trong cổ tử cung. Dù thường được kiểm tra cùng xét nghiệm HPV nhưng xét nghiệm Pap âm tính không có nghĩa là bạn không mắc bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục nào.


Dưới đây là thời gian ủ bệnh của một số bệnh STD qua xét nghiệm máu dương tính:

- Bệnh giang mai: Một đến ba tháng;

- HIV: Hai đến sáu tuần;

- Herpes: Một đến bốn tháng;

- Viêm gan B: Ba đến sáu tuần;

- Viêm gan C: Hai đến sáu tháng.


Qua xét nghiệm nước tiểu hoặc chất dịch dương tính:

- Bệnh Chlamydia và bệnh lậu: Một đến hai tuần;

- HIV: Một đến ba tháng;

- Bệnh nhiễm trùng roi Trichomonas: Một tuần đến một tháng.


 

5. Phòng ngừa




- Hiểu biết đầy đủ về tình trạng sức khỏe của bản thân và đối phương trước khi quan hệ là cách hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh qua đường tình dục.

- Một số biện pháp bảo vệ phổ biến bao gồm: bao cao su, hoặc màng chắn miệng (dental dams).

- Đa phần bao cao su có hiệu quả ngăn ngừa STD lây lan qua tinh dịch hoặc máu. Nhưng chúng không thể bảo vệ hoàn toàn khỏi các bệnh STD lây qua tiếp xúc da kề da. Nếu bao cao su không che phủ vùng da bị nhiễm trùng thì việc lây nhiễm vẫn có thể xảy ra.

- Kiểm soát và phòng ngừa STD là điều cần thiết đối với bất kỳ ai đang có quan hệ tình dục. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp ngăn chặn sự lây truyền của các bệnh STD, nhất là những bệnh thường không xuất hiện triệu chứng.

- Trước khi quan hệ tình dục, các bên cần trao đổi về lịch sử tình ái và kết quả xét nghiệm STD. Bạn nên hỏi đối phương họ đã xét nghiệm những gì, nhằm tránh những sự cố không ai mong muốn.

- Trong trường hợp đối phương dương tính với STD, họ cần phải tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Bạn cũng có thể xin lời khuyên từ bác sĩ về cách để bảo vệ mình và không lây nhiễm STD từ bạn tình. Ví dụ, nếu bạn tình nhiễm HIV thì bác sĩ có thể sẽ khuyến khích bạn sử dụng phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Ngoài ra, nếu bạn và đối phương phù hợp và có điều kiện, hãy cân nhắc tiêm phòng HPV và viêm gan B nhé.

  • Lưu ý

Sử dụng bao cao su không chỉ giúp bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục mà còn hạn chế việc mang thai ngoài ý muốn. Ngược lại, vẫn có nhiều biện pháp tránh thai khác làm giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn nhưng không ngăn ngừa được các bệnh STD, bao gồm:

- Thuốc tránh thai;

- Tiêm thuốc tránh thai;

- Cấy que tránh thai;

- Đặt vòng tránh thai (IUD).

 

6. Sống chung với STD


- Khi dương tính với STD, người bệnh cần được chữa trị càng sớm càng tốt.

- Nếu nhiễm bệnh lây qua đường tình dục thì khả năng lây truyền cho người khác là rất cao. Với một số bệnh, nếu không được chữa trị kịp thời, chúng rất có thể gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.

- Khi kê đơn chữa trị STD, bác sĩ thường khuyến cáo các bệnh nhân nên điều chỉnh thói quen quan hệ của mình để bảo vệ chính họ và những người xung quanh. Ví dụ, người bệnh nên kiêng quan hệ tình dục cho tới khi bệnh của họ được chữa trị hiệu quả. Đồng thời, khi bệnh nhân trở lại với đời sống tình dục, các bác sĩ thường khuyến khích họ sử dụng bao cao su, màng chắn miệng (dental dams) và những phương pháp phòng tránh khác.



 

Qua bài viết ngày hôm nay, Kat mong rằng bạn đã có thêm những kiến thức mới và cần thiết về các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục – STD. Đồng thời, đừng quên dành thời gian để kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình thường xuyên bạn nhé. Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết khác của KatAdultToys nha!

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài!

(Sưu Tầm)


17 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page